Chiều 10/10, đồng chí Cù Ngọc Trang, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã chủ trì buổi tiếp Đoàn công tác của Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, do đồng chí Huỳnh Tự Trọng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương làm Trưởng đoàn, đến “trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính”. Cùng dự có đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng bộ phận Một cửa các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng .

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác CCHC để cùng tháo gỡ những nút thắt

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang vui mừng khi được đón tiếp Đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương và mong muốn, qua buổi gặp này, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi những việc đã và đang triển khai, cũng như những kết quả bước đầu trong công tác CCHC; những khó khăn, vướng mắc để cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Đồng chí Cù Ngọc Trang chia sẻ thành phố Hà Nội là địa phương được chọn làm điểm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) - Đây có thể nói là bước đột phá trong công tác CCHC gắn với cải cách hành chính công. Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ liên tục, thành phố Hà Nội đều xác định CCHC là khâu trọng tâm, khâu đột phá để tập trung thực hiện. Thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, Đề án để chỉ đạo đẩy mạnh công tác CCHC, chuyển đổi số. Nhờ đó, trong những năm gần đây, Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu: các chỉ số PAPI, SIPAS đã được cải thiện, chuyển biến tích cực. Công tác CCHC được đặt đúng vị trí và các ngành, các cấp đều có quyết tâm, tích cực, chủ động thực hiện CCHC.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, Hà Nội cũng có một số chỉ số bị tụt giảm như chỉ số PCI. Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Cù Ngọc Trang nhấn mạnh quyết tâm của Thành phố trong công tác CCHC. Và minh chứng rõ nhất là Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 07/8/2023, về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội để khuyến khích cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là động lực để thực hiện công tác CCHC của Thành phố.

Hà Nội: Vận hành, khai thác hiệu quả 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Nga, Phó Trưởng Phòng kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng UBND Thành phố cho biết: Tính đến ngày 14/9/2023, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là 1.896 thủ tục, trong đó, 1.418 thủ tục cấp Sở, cơ quan tương đương Sở và 327 TTHC cấp huyện, 151 TTHC cấp xã.

Đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 67 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 4 Sở; thực hiện 19 Nghị quyết đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý cư dân và rà soát văn bản TTHC có yêu cầu giấy tờ cư trú…Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC năm 2023 trên địa bàn Thành phố. Đến nay, đã kiểm tra tại 9 đơn vị.

Về thực hiện cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông, 100% các sở, ngành, UBND cấp xã đều thực hiện theo quy định với 666 Bộ phận Một cửa, gồm: 57 Bộ phận Một cửa cấp Sở, ngành; 30 Bộ phận Một cửa cấp huyện và 579 Bộ phận Một cửa cấp xã. 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông, qua đó, đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết TTHC. 9 tháng đầu năm 2023, toàn Thành phố đã xử lý 4.907/4.907 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, đạt tỷ lệ 100%.

Đáng chú ý, thực hiện việc ủy quyền thực hiện TTHC theo hướng “Cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”, đến nay, Thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền của 578 TTHC (94%). Văn phòng đã tham mưu UBND Thành phố phê duyệt quy trình nội bộ 543/578 TTHC (95,9%).

Đặc biệt, từ ngày 9/2/2023, UBND Thành phố đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, UBND Thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ. Việc vận hành các hệ thống thông tin, ứng dụng trên đã hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đến các cấp chính quyền đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả đảm bảo nhanh chóng, kịp thời dựa trên dữ liệu đó thúc đẩy CCHC, chuyển đổi số của Thành phố.

Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu tỉnh Bình Dương đã chia sẻ về thực trạng triển khai công tác CCHC tại địa phương và mong muốn thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm trong một số nội dung, như: việc xây dựng quy trình nội bộ thống nhất chung 1 quy trình giữa cấp huyện, cấp xã; trường hợp một TTHC có nhiều quy trình; việc đồng bộ TTHC lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; kinh nghiệm trong tái sử dụng thông tin hồ sơ kết quả giải quyết TTHC; làm rõ hơn về mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công liên phường; việc xử lý phản ánh, kiến nghị...

Đồng chí Nguyễn Thanh Nga, Phó Trưởng Phòng kiểm soát Thủ tục hành chính đã trao đổi, làm rõ một số nội dung Đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương quan tâm; Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Tất Thắng đã giới thiệu về Đề án thành lập và Quy chế hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp phường trên địa bàn quận; Đại diện quận Ba Đình chia sẻ về mô hình điểm tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tại khu dân cư; Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND quận, Trưởng bộ phận Một cửa quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hường giới thiệu mô hình “Ngày thứ Tư tốc ký” và “Một hồ sơ 3 kết quả”…

Đồng chí Huỳnh Tự Trọng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Hà Nội và Bình Dương có nhiều điểm tương đồng. Cảm ơn các trao đổi, chia sẻ rất thiết thực của thành phố Hà Nội trong công tác CCHC, qua đó, giúp tỉnh có hướng để tháo gỡ, xử lý những điểm nghẽn, còn vướng để địa phương triển khai trong thời gian tới, góp phần làm tốt hơn công tác CCHC.

Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Huỳnh Tự Trọng mong muốn, qua buổi làm việc này, sẽ góp phần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, để từ đó, có tiếng nói chung trong các đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương, qua đó, làm tốt hơn nữa công tác CCHC, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.