Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính - Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 Thành phố vừa có Văn bản số 06/TB-BCĐ ngày 17/3, thông báo kết quả buổi làm việc giữa Tổ Công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ với UBND thành phố Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra ngày 14/3/2024, tại trụ sở UBND Thành phố.
Theo đó, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ đề nghị đối với những kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội về 17 nhiệm vụ triển khai Đề án 06, cụ thể:
Đề nghị 11 Bộ, ngành (Bộ Công an (C06), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, BHXH Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Lao động TB&XH, Tư pháp) có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng lộ trình với 19 nội dung; đồng thời hướng dẫn thành phố Hà Nội thực hiện.
Thành phố Hà Nội chỉ đạo 05 Sở, ngành (Y tế, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế Hà Nội, Giao thông vận tải), thực hiện 10 nội dung thuộc trách nhiệm của UBND Thành phố.
Về việc triển khai Đề án 06 của Thành phố, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ lưu ý 4 nhóm vấn đề và đề nghị các Bộ, ngành, Thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ căn cứ nội dung đã thống nhất tại Hội nghị, khẳng định và thực hiện đúng các cam kết đã đề ra.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội thường xuyên đôn đốc, thành lập các tổ công tác để trực tiếp đi khảo sát tại cấp cơ sở, xác định bao nhiêu người dân đã được hưởng tiện ích; bao nhiêu người dân chưa được hưởng tiện ích đã được công bố, đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả triển khai thực hiện để từ đó xác định biện pháp, cách thức triển khai phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, bám sát với 05 nhóm vấn đề:
Một là, về pháp lý: Các sở, ngành phải rà soát các văn bản pháp lý có liên quan đến đơn vị mình, khẳng định những thủ tục nào không yêu cầu xuất trình các thành phần hồ sơ giấy thì cần cương quyết bãi bỏ.
Hai là, về hạ tầng công nghệ: Bám sát các hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ trong việc đồng bộ trạng thái xử lý hồ sơ giữa Cổng dịch vụ công Quốc gia với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố.
Ba là, về dữ liệu: Đối với các dữ liệu đã có phải đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, đối với các dữ liệu đã có, đã sạch cần khẩn trương số hóa ngay và đối với dữ liệu “bẩn” cần khẩn trương rà soát, làm sạch.
Bốn là, về an ninh toàn bảo mật: Phải tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, công chức được phân công quản lý, sử dụng thiết bị đầu cuối về các quy định đảm bảo an ninh an toàn thông tin.
Năm là, về ngân sách: Đảm bảo tất cả hoạt động triển khai Đề án 06 phải được điều tiết, bố trí ngân sách.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ đề nghị Công an thành phố Hà Nội bám sát ý kiến kết luận của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy Đề án 06 và chuyển đổi số trong Công an nhân dân ngày 13/3/2024, phát huy vai trò thường trực và gương mẫu, đi đầu trong việc triển khai Đề án 06.
Để thực hiện ý kiến kết luận của đồng chí Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp ngày 07/3/2024 về việc thúc đẩy triển khai Đề án 06, UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp kinh nghiệm thúc đẩy chuyển đổi số của đơn vị, sử dụng kinh phí trong đầu tư, thuê dịch vụ CNTT, gửi về Thư ký Tổ Công tác trước ngày 20/3/2024 để tập hợp, tham mưu với Tổ Công tác ban hành văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương để tham khảo, triển khai Đề án 06 tại đơn vị.